Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

LUẬN VỀ SAO THÁI ÂM

Đá Thạch Anh


Tử vi đẩu số Toàn thư khi luận về sao Thái âm bao giờ cũng dựa trên 3 cơ sở:

a - Đứng đúng chỗ hay không? Miếu hay hãm địa?
b - Sinh ban ngày hay ban đêm?
c - Sinh vào thượng tuần, trung tuần hay hạ tuần trong tháng?

Thái âm đóng Hợi Tí Sửu tốt nhất; Thân Dậu Tuất thứ nhì; ở Dần Mão Thìn thì gọi là thất huy (mất vẻ sáng); ở Tỵ Ngọ Mùi là lạc hãm. Trong chỗ tốt nhất thì Hợi tốt hơn cả, cổ nhân đặt thành cách:”Nguyệt lãng thiên môn”

Sinh ban ngày hay ban đêm chia theo 2 nhóm giờ như sau:

1. Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi.
2. Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tí, Sửu.

Về thượng tuần hay hạ tuần thì từ 1 đến rằm là thượng tuần, từ 16 đến ba mươi là hạ tuần. Thượng tuần mặt trăng mỗi ngày mỗi tròn. Hạ tuần mặt trăng mỗi ngày mỗi khuyết. Tròn tốt, khuyết xấu. Người sinh hôm rằm trăng tròn tới cực điểm lại không đẹp bằng người sinh ngày 13, 14.

Về Thái âm trong những câu luận đáng có một câu đáng chú ý là: “Thái âm tại Mệnh Thân cung tuỳ nương cải giá” – nghĩa là bỏ chồng về nhà mẹ đẻ? Điều này không phải cứ Thái âm là áp dụng. Còn phải tuỳ Thái âm có rơi vào hãm địa không đã. Nếu Thái âm ở Tỵ, lại sinh vào hạ tuần mà sinh vào ban ngày nữa thì lời luận đoán trên rất đúng về cái việc “tuỳ nương cải giá”, còn thêm sát tinh phụ hội thì lại càng đúng hơn, nhất là Hoả Tinh.

Cổ nhân còn viết: “Thái âm thủ mệnh bất lợi cho những người thân thuộc về phái nữ, vào số trai mẹ mất sớm, về cuối đời goá vợ, xa chị em gái; vào số gái cũng thế, ngoài ra còn ảnh hưởng đến cả bản thân nữa”. Điều này cũng chỉ có thể áp dụng qua tình trạng Thái âm lạc hãm, sinh thượng tuần, hạ tuần và sinh ban ngày ban đêm.

Thái âm vào cung Thân, ảnh hưởng còn nghiêm trọng hơn so với Thái Âm đóng Mệnh. Với trường hợp Thái âm tại Tỵ mà gặp Thái Dương Thiên Lương ở Dậu, rồi bên cạnh Thái Âm còn gặp sát tinh hội tụ nữa, ảnh hưởng nặng nề hẳn.

Với thời đại ngày nay, chuyện “tuỳ nương cải giá” không như ngày xưa nên khi nói về hậu quả của sự việc ấy phải rộng rãi hơn. nhiều hướng và nhiều ý nghĩa khác nữa. Nguyên tắc của Tử vi sao hay có cặp đôi thấy Thái Âm thì trước tiên hãy xem thế đứng của Thái Dương.

Đá Thạch Anh

 Trong bản số chỉ có 2 cung Thái Dương Thái Âm đứng một chỗ là Sửu và Mùi. Nếu tốt cả hai cùng tốt, mà xấu thì cả hai cùng xấu. Các sao đi cặp, hễ các sao xung chiếu bị ảnh hưởng tốt xấu đều phản xạ qua sao bên kia.

Nhật Nguyệt ở Sửu Mùi thì ở Mùi tốt hơn ở Sửu. Tại sao? Vì Thái Dương ảnh hưởng mạnh hơn Thái âm mà Mùi cung thì Thái Dương không bị “thất huy” như ở Sửu mới có sức trợ giúp Thái âm. Cho nên Nhật Nguyệt ở Sửu, cuộc đời khó hiển đạt và lên xuống thất thường, còn Nhật Nguyệt ở Mùi thì an định hơn.
Nhật Nguyệt đồng cung mang nhiều khuyết điểm, vì cổ ca viết: Nhật Nguyệt thủ bất như chiếu hội, tịnh minh nghĩa là, Nhật Nguyệt đóng Mệnh không bằng chiếu Mệnh hoặc đứng hai chỗ cùng sáng như Thái Âm Hợi, Thái Dương Mão hoặc Thái Âm Tuất, Thái Dương Thìn.

Phú nói:

Nhật Nguyệt Mệnh Thân cư Sửu Mùi
Tam phương vô cát phản vi hung.

Vậy thì cách Nhật Nguyệt Sửu Mùi cần những sao tốt khác trợ lực mới đáng kể.

Thái âm gặp Cự Môn Hoá Kị bị nhiều phiền luỵ. Như trường hợp Mệnh VCD gặp Nhật đóng ở cung Thân, Nguyệt đóng ở cung Ngọ thì lúc ấy bên cạnh Nhật có Cự mà lại thêm Kị thì phá mất cái tốt của việc hợp chiếu. Thái Âm cũng không ưa Thiên Lương, trong trường hợp Thái Âm đóng ở Tỵ mà Dương Lương từ Dậu chiếu sang thường đưa đến tình trạng vợ chồng ly tán. Trường hợp Mệnh Cự Môn Thái Dương mà cung Phu thê có Đồng Âm gặp Hoá Kị duyên cũng khó bền.

Về Thái Âm cổ nhân còn tìm thấy cách “Minh châu xuất hải” (hòn ngọc sáng rực ngoài biển khơi). Cách này đòi hỏi Mệnh VCD tại Mùi, Thái Âm đóng Hợi, Thái Dương đóng Mão. Sách viết: “Nhật Mão Nguyệt Hợi Mệnh Mùi cung. Minh châu xuất hải vị tam công” (Thái Dương Mão, Thái Âm Mùi, Mệnh lập Mùi là cách minh châu xuất hải chức vị cao, quyền thế). Nhưng cách “Minh châu xuất hải” vẫn phải cần Tả Hữu đứng cùng Nhật Nguyệt mới toàn bích, thiếu Tả Hữu mà gặp thêm hung sát tinh thì chỉ bình thường.

Luận về Thái Dương Thái Âm còn phải chú ý đến các cách giáp mệnh. Như Thiên Phủ thủ Mệnh ở Sửu, Nguyệt tại Dần, Nhật tại Tí; Thiên Phủ Mùi, Nguyệt ở Thân, Nhật giáp từ cung Ngọ.

Rồi đến Nhật Nguyệt hiệp Mệnh như Tham Vũ ở Sửu và Mùi. Tham Vũ Sửu thì Thái Âm Tí, Thái Dương Dần. Tham Vũ Mùi thì Thái Âm Ngọ, Thái Dương Thân. Mệnh lập Sửu vẫn tốt hơn Mệnh lập Mùi. Hiệp với giáp vào cung vợ chồng không mấy tốt, nếu kèm theo hung sát tinh đưa đến tình trạng hôn nhân có biến.

Trường hợp Thiên Phủ ở cái thế kho lủng, kho rỗng, kho lộ mà giáp hiệp càng gây khó khăn hơn. Thái Âm là âm thủy chủ về điền sản, tiền bạc.

Thái Âm thủ Mệnh nữ hay nam đều có khuynh hướng về hưởng thụ. Công việc gì cần nhẫn nại gian khổ không thể giao cho người Thái Âm. Thái Âm vào nữ mạng sinh ban đêm là người đàn bà có nhan sắc, có cả Xương Khúc nữa càng mặn mà. Thái Âm trên khả năng thông tuệ nhưng lại thiếu nhẫn nại để mà học cao đến mức hiển đạt về học vấn.

Thái Âm hãm độc tọa thủ Mệnh vào nam mạng thì nội tâm đa nghi. Vì Thái Âm chủ về điền sản nên đắc địa vào cung điền trạch rất tốt. Thái Âm đắc địa thủ mệnh số trai dễ gần cận phái nữ không ồn ào mà âm thầm nhưng khi thành gia thất rồi, vợ nắm quyền.

Đá Thạch Anh

Thái Âm nữ mạng đắc địa, đa tình lãng mạn, thiện lương nhưng thiếu chủ kiến, có tâm sự u uẩn phải bộc bạch ra mới yên, với bản chất qúy thủy (nước trong) nên bao giờ cũng thích làm dáng, ăn ngon mặc đẹp.

Thái Âm hãm thủ mệnh lại đứng cùng Văn Khúc hãm nữa chỉ thành tựu như một nghệ nhân tầm thường với cuộc sống phiêu bạt, kiếm chẳng đủ miệng ăn. Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư còn ghi một câu: Thái Âm cư Tí, thủy chừng quế ngạc, Bính Đinh nhân dạ sinh phú quí trung lương (Thái Âm đóng Tí như giọt sương mai đọng trên hoa quế, người tuổi Bính Đinh sinh vào ban đêm giàu sang, tâm địa trung lương vì tuổi Bính tuổi Đinh đều có gặp Lộc Quyền hay Lộc Tồn mà nên vậy)

Sau đây là những câu phú liên quan đến Thái Âm:

- Nguyệt diệu Thiên Lương nữ dâm bằng
(Thái Âm gặp Thiên Lương đàn bà đa dâm và nghèo. Câu này chỉ vào trường hợp Thái Âm ở Mão hay Tỵ, hội chiếu Thiên Lương từ Mùi hoặc Dậu, Thái Âm hãm mới kể)

- Nữ mệnh dung nhan mỹ tú, ái ngộ Nguyệt Lương
(Người đàn bà có nhan sắc là bởi Thái Âm Thiên Lương. Về nhan sắc thì Thái Âm hãm hay đắc địa như nhau, duy Thái Âm đắc địa dung nhan phúc hậu hơn)

- Nữ mệnh kị Nguyệt ngộ Đà
(Đàn bà rất kị Thái Âm gặp Đà La. Tại sao? Vì ưa loạn dâm. Thái Âm vốn dĩ đa tình lại có Đà La tượng trưng sinh thực khí của đàn bà tức kể như nữ tính quá phần mạnh mà loạn)

- Nguyệt tại Hợi cung minh châu xuất hải tu cần Quyền Kỵ Khúc Xương hạn đáo
(Nguyệt ở Hợi là cách minh châu xuất hải, để phấn phát còn cần gặp vận Khúc Xương Quyền Kỵ)

- Âm Dương lạc hãm tu cần không diệu tối kị sát tinh
(Âm Dương đứng không đúng chỗ cần gặp Tuần Triệt, Địa Không ngại gặp sát tinh hãm hại)

- Thái Âm Dương Đà tất chủ nhân ly tài tán.
(Sao Thái Âm gặp Kình Dương Đà La thì nhân ly tài tán. Đây là nói về Thái Âm hãm thôi)

- Âm Tang Hồng Nhẫn Kỵ Riêu, tân liên hàm tiếu, hạn phùng Xương Vũ dâm tứ xuân tình liên xuất phát. (Thái Âm có Hồng Loan, Kình Dương, Riêu Kỵ người đàn bà đẹp như đoá sen mới nở, nhưng hạn gặp Văn Xương, Văn Khúc tất sa ngã vì tình)

- Thanh kỳ Ngọc Thỏ tuy lạc hãm nhi bất bần
(Mệnh có sao Thái Âm dù không đắc địa, không bao giờ túng quẫn)

- Âm Dương lạc hãm gia Hình Kỵ Phu Thê ly biệt
(Cung phối Nhật hay Nguyệt hãm mà thêm Hình Kỵ vợ chồng không sống đời với nhau)

- Nguyệt phùng Đà Kị Hổ Tang, thân mẫu thần trái nan toàn thọ mệnh
(Thái Âm gặp Đà La, Hóa Kị, Tang Hổ thì mẹ mất sớm)

- Thái Âm đồng Văn Khúc ư Thê cung thiềm cung triết quế
(Thê cung có Thái Âm đứng cùng Văn Khúc như lên cung trăng bẻ cành quế, lấy vợ đẹp và giàu sang. Nếu là Phu cung thì không được như vậy, tuy vẫn gọi là tốt)

- Duyên lành phò mã ngôi cao
Thái Âm đắc địa đóng vào Thê cung

- Vợ giàu của cải vô ngần
Thái Âm phùng Khúc Lộc Ấn Mã đồng


- Âm Dương Tuần Triệt tại tiền
Mẹ cha định đã chơi tiên chưa nảo
(Phải Âm Dương đắc địa mới kể)

- Âm Dương hội chiếu Mệnh Quan
Quyền cao chức trọng mọi đàng hanh thông.

- Nguyệt miếu vượng trùng phùng Xương Khúc
Việt Khôi Hóa Quyền Lộc Đào Hồng
Thiên Hỉ Tả Hữu song song
Giàu sang hổ dễ ai hòng giám tranh

- Thái Âm lạc hãm phải lo
Kỵ lâm thường thấy tay vò đăm chiêu

- Nguyệt gặp Long Trì ở cùng
Tuy xấu nhưng cũng được phần ấm thân

- Thiên Cơ với Nguyệt cùng ngồi
Ở cung hãm địa ấy người dâm bôn
(Cơ và Thái Âm ở Dần, đẹp nhưng lãng mạn)

Về hai sao Thái Dương và Thái Âm còn có một luận đoán đáng kể mà không thấy ở các sách Tử Vi chính thống như sau:

Nam mạng Thái Âm thủ mệnh trên cử chỉ thái độ hao hao như nữ tử, trái lại nữ mạng Thái Dương thủ thì tính quyết liệt, động tĩnh nhiều nét nam tử

Nam mạng Thái Dương thường xung động Thái Âm ở cung đối chiếu thường có khuynh hướng tà dâm, đổi lại nữ mạng Thái Âm thủ xung động Thái Dương thường là thủy tính dương hoa (lẳng.lãng mạn) nhiều ít cũng còn phải tùy thuộc cung Phúc Đức. Nam mạng Thái Âm thủ ưa thân cận với nữ phái, ngược lại nữ mạng Thái Dương thủ thích giao du với nam phái.

Đá Thạch Anh



LUẬN VỀ SAO THIÊN PHỦ

Đá Thạch Anh


Thiên Phủ là chủ tinh của hệ Nam đẩu. Tính chất của chủ tinh mang một đặc điểm trên mặt nào đó. Cũng có tài lãnh đạo, nhưng Tử Vi khả năng sáng tạo mạnh mẽ trong khi Thiên Phủ chỉ đắc lực khi cục diện đã xong xuôi. Thiên Phủ dễ bị ảnh hưởng người khác, quyết định tính thấp. Cổ nhân coi Tử Vi chủ về tước lộc và chỉ xem Thiên Phủ chủ về tiền bạc y lộc. Bởi tại người xưa quan niệm quyền chức hơn giàu có, uy thế hơn tiền bạc. Ngoài ra tính chất của nam đẩu là gìn giữ, bảo thủ và tuổi thọ.

Tính chất của Bắc đẩu là tranh đấu, khắc phục và dễ lâm hiểm nguy. Thiên Phủ còn là chứng tượng của sinh ra nuôi, lớn lên, cho nên Thiên Phủ mà đóng ở bào huynh thì anh em đông, Thiên Phủ đóng Mệnh thì trường thọ. Thiên Phủ thuộc dương Thổ, hóa khí là hiền năng. Thiên Phủ thủ Mệnh làm việc gì cũng cẩn thận chú ý, nhưng lại ưa chỉ tay năm ngón hơn tự mình động thủ. Khiêm cung bề ngoài nhưng tâm ý lại khác, tính tình phong lưu.

Thiên Phủ bản chất là chất chứa, cất dấu nên gọi bằng tài khố (kho tiền) bởi vậy cần Lộc thì kho mới đầy. Thiên Phủ sợ gặp sát tinh, nếu bị Kình Đà Linh Hỏa Không Kiếp xung chiếu hay thủ, cổ nhân ví như kho không có cửa (lộ khố) tương phản với bản chất Thiên Phủ ắt không tốt đẹp. Cổ ca có câu:”Thiên Phủ hội hợp với Hỏa Linh Dương Đà là con người gian trá lắm thủ đoạn thích dùng quyền thuật”

Thiên Phủ là chư tinh nên cũng ưa được chầu hầu vì thế hợp với Hóa Khoa, điểm này thì hoàn toàn cùng chất với Tử Vi. Tử Vi có Thiên Phủ Thiên Tướng chiếu gọi bằng “Phủ Tướng triểu viên” hay Thiên Phủ có Tử Vi Thiên Tướng chiếu gọi bằng “Tử Tướng triều viên” tất cả đều coi là trăm quan hướng chầu cả.

Thiên Phủ cần an định, bởi vậy sự có mặt của Thiên Khôi Thiên Việt không quan trọng lắm, vì lẽ Khôi Việt chủ về cơ hội, đã an định đương nhiên cơ hội không được coi làm cần thiết. Thiên Phủ cần Tả Phù Hữu Bật và Văn Xương, Văn Khúc, hoặc đứng cùng hoặc tam hợp chiếu hoặc giáp mệnh.

Một khi Thiên Phủ đã có Hóa Khoa, Xương Khúc Tả Hữu rồi thì dù cho không gặp Lộc hay bị vài sát tinh cũng không xem như tình trạng kho rỗng, kho không cửa. Thiên Phủ Hóa Khoa được thiên hạ tín nhiệm trên mặt tiền bạc, thêm Tả Hữu càng mạnh hơn, mặt khác cũng là con người giỏi cáng đáng trách nhiệm.

Thiên Phủ đóng Thìn Tuất (cùng với Liêm Trinh) có Hóa Khoa mà thêm Khôi Việt giáp hay hội tụ qua tam hợp, gặp cơ hội thi triển tài năng xứng đáng địa vị cầm đầu. Đối với Thiên Phủ cổ nhân cho rằng Hóa Khoa tốt hơn Hóa Quyền.

Bản thân Thiên Phủ là kho đựng chủ về tài quyền không gặp Hóa Lộc hay Lộc Tồn hẳn nhiên quyền lực Thiên Phủ phải kém đi, lại luôn luôn chịu ảnh hưởng Thất Sát từ xung đối xung mà lại có Hóa Quyền nữa thì sức xung kích quá mạnh, Thiên Phủ khó bảo vệ tính chất an định. Thiên Phủ Lộc Tồn đồng cung là kho có tài lộc chính là một triệu chứng an định vững bền. Lực lượng bảo thủ đã thắng sức xung kích của Thất Sát.

Trường hợp Thiên Phủ không đứng với Lộc nhưng có Tả Hữu và không phải bị những sát tinh khác quấy nhiễu và đối cung Thất Sát lực lượng hùng mạnh hơn thì Thiên Phủ mới có được sự kích thích mà tự biến thành một kẻ phấn đấu không mệt mỏi mà thành công (trên mặt tiền tài thôi). Tỉ dụ Thiên Phủ đóng Tỵ Hợi, xung chiếu có Tử Vi Thất Sát, phía lực lượng xung kích còn có cả Hóa Quyền. Có sự xung kích như thế Thiên Phủ mới từ bỏ hẳn bản chất an định. Nếu sức xung kích chỉ vừa phải như thiếu Quyền thì cuộc phấn đấu của Thiên Phủ thường đưa đến kết quả nửa đường bỏ cuộc.

Một trường hợp ngoại lệ cho Thiên Phủ Tỵ và Hợi là gặp Không Kiếp đồng cung thì lại biến ra con người thâm trầm khó hiểu nhưng đủ thủ đoạn để chống với sức xung kích kia mà làm nên giàu có. Không Kiếp phải đứng ở Tỵ Hợi mới hợp cách, Không Kiếp hội tụ theo thế tam hợp đều kể là “kho rỗng”, “kho lộ”, “kho thủng”. Không Kiếp chiếu làm cho tâm ý giảo quyệt, nghi hoặc, không thích ứng với thực tế, cuối cùng như kẻ thất bại cô đơn.

Với nữ mệnh cũng áp dụng lối đoán như nam mệnh, chỉ khác một điểm Thiên Phủ đắc thế thì tranh đoạt Phu quyền, gây dựng cơ nghiệp. Thiên Phủ không đắc thế mà gặp Không Kiếp thì tình duyên đứt đoạn dở dang. Nhất là Thiên Phủ ở Mão hay Dậu. Thiên Phủ đứng một mình ở Mão Dậu, Sửu Mùi mà gặp Hỏa Linh Không Kiếp, Kình Đà thường là con người đầu cơ thủ xảo, gian ngoan.

Đá Thạch Anh

Những câu phú về Thiên Phủ đáng chú ý:

- Nam Thiên Phủ giao long vãng đực
(Mệnh đàn ông có Thiên Phủ tọa thủ là người làm việc thận trọng suy nghĩ chín chắc)

- Thiên Phủ tối kị Không tinh nhi ngộ Thanh Long phản vi cát tường
(Thiên Phủ sợ gặp Không Kiếp, nếu được Thanh Long thì tốt lắm)

- Phủ cư địa võng nhược lâm Tuần Không Nhâm Đinh tuế, mãn thế hoài bão nan phùng vận lộ
(Thiên Phủ tại Tuất mà bị Tuần Không, tuổi Đinh Nhâm cả đời hoài bão không đạt)

- Thiên Phủ kị ngộ Không tinh lại nhập tài cung tán hao vô độ
(Thiên Phủ không hợp với Tuần Triệt Kiếp Không án ngữ Thiên Phủ ở cung tài bạch thì tiền bạc hao tán hoài)

- Thiên Phủ lâm Tuất cung vô sát tấu, Giáp Kỷ nhân yêu kim hư thả phú
(Thiên Phủ đóng Tuất thủ Mệnh không bị sát tinh, người tuổi Giáp Kỷ dễ phát công danh và cũng dễ làm giàu)

- Thiên Phủ cư Ngọ Tuất Thiên Tướng lai triều Giáp nhân nhất phẩm chi quí
(Thiên Phủ đóng Ngọ hay Tuất có Thiên Tướng chầu, người tuổi Giáp chức lớn)

- Phủ tướng lai triều chung thân Phúc Lộc
(Mệnh có Phủ Tướng chầu, suốt đời có Lộc, tiền bạc dư dả, tốt nhất là ở hai cung tài bạch, quan lộc chiếu lên, có kèm lộc càng hay)

- Phủ Vũ Tí cung, Giáp Đinh nhân phúc vượng danh hương; hung lại Tuần Kiếp danh sứ nhân khi ư Canh Nhâm tuế, tài phúc trường hành
(Cung Mệnh có Thiên Phủ ở Tí, người tuổi Giáp Đinh hưởng phúc nên danh nên giá nếu bị Tuần Không, Địa Kiếp thì dễ mang tiếng mang tai, riêng tuổi Canh Nhâm không đáng ngại)

- Phủ Vũ Khúc an bài cung Tí
Người Giáp Đinh cách ấy rất hay
Gặp phải Tuần Kiếp rủi thay
Tiếng bia miệng xấu tháng ngày không yên
Nhưng gặp tuổi Canh Nhâm chế ngự
Phúc tài kia vẫn cứ hanh thông

- Thiên Phủ Lộc Tồn Xương Khúc cự vạn chi tư
(Mệnh có Thiên Phủ Lộc Tồn Xương Khúc là số giàu)

- Thiên Phủ Xương Khúc Tả Hữu cao đệ ân vinh.
(Mệnh Thiên Phủ cùng Tả Hữu Xương Khúc công thành danh toại)

- Thiên Phủ cư Tài bạch diệt thị đa tài, ngộ Thiên hình tất hao tổn
(Thiên Phủ đóng Tài bạch thì tiền cũng nhiều, nhưng bị Thiên Hình thành hao tốn)

- Phủ phùng Đà Tuế Tỵ cung
Cuồng ngôn loạn ngữ nói rông tháng ngày
Phủ phùng Không xứ tài suy
Thuỷ chung nan bảo tư cơ lưu truyền
Phủ bị Không Kiếp đồng cung

- Gặp Thanh Long lại biến thành vòng cát tinh
(Phủ gặp Không Kiếp đồng cung, có Thanh Long lại trở nên tốt hẳn như ở trên đã bàn)

- Dần cung Tử Phủ khá tường
Tam Hóa Kình Bật là phường văn nhân
Ấy văn cách chuyển sang võ tướng
Nắm quyền uy bốn hướng phục tòng
Nếu gặp Không Kiếp giao lâm
Ắt danh hư ảo có lầm được đâu.

Đá Thạch Anh


LUẬN VỀ SAO LIÊM TRINH

Đá Thạch Anh


Liêm Trinh thuộc Âm Hỏa kiêm Mộc, hóa khí là ‘tù’ trong hệ Bắc Đẩu, còn mang tên Đào Hoa thứ hai (sau Tham Lang). Nói theo Tử vi hệ phái Việt Nam là Đào Hoa thứ ba vì Tử Vi Việt có hẳn một sao Đào Hoa mà Trung Quốc thường gọi bằng ‘Hàm Trì’. Với Trung Quốc chỉ có 4 chỗ đương nhiên Đào Hoa ở đây là Tí, Ngọ, Mão, Dậu mà họ gọi bằng bại địa.

Hình dáng Liêm Trinh gầy nhiều xương hơn thịt, mắt lộ hầu lộ. Liêm Trinh cát hung vô định hội hợp với nhiều sao tốt thì công danh địa vị cao, trong chính giới phát triển tốt, gặp các hung sát tinh hay bị hoạn nạn tai ách.

Đời Hán nhà dịch học Dực Phụng viết :’Tham Lang thiện hành, Liêm Trinh ác hạnh’. Hai sao ấy phẩm hạnh đi ngược chiều nhau. Liêm Trinh chủ về phẩm chất sự vinh nhục trên địa vị khi lên thì tốt, khi xuống thì xấu, Liêm Trinh mang hóa khí là ‘Tù’

Liêm Trinh trên cảm tình, tính tình khi thân cảm tình hòa hiệp, lúc ghét giận thì hung dữ bất thường. Chất Đào Hoa của Liêm Trinh cũng căn cứ trên tình trạng đổi thay ấy mà định. Liêm Trinh với nữ nhân biến thái của tình cảm mau và mạnh hơn với nam nhân.

Trường hợp Liêm Trinh đứng với Hóa Kị hoặc gặp Hoá Kị chuyện hôn nhân không tránh khỏi gãy đổ. Liêm Trinh đi với Tham Lang, Thất Sát, Phá Quân nữ mạng vợ chồng lấy nhau tự nhiên không nghi lễ, hoặc lấy chồng người.
Có câu phú Liêm Trinh thanh bạch năng tương thủ (Liêm Trinh ôm chặt khối tình)

Liêm Trinh độc tọa ở Dần Thân
Liêm Trinh đứng bên Thiên Phủ ở Thìn Tuất
Đứng cùng Thiên Tướng ở Ngọ Tí
Đứng cùng Thất Sát ở Sửu Mùi
Đứng cùng Tham Lang ở Tỵ Hợi

Thanh bạch năng tương thủ có hai kết cấu:
- Liêm Trinh đứng một mình ở Dần cùng với Lộc Tồn hoặc Lộc Tồn chiếu
- Liêm Trinh đứng một mình ở Thân với Lộc Tồn hoặc Lộc Tồn chiếu

Nói tóm lại, chỉ ở trường hợp Liêm Trinh độc tọa gặp Lộc Tồn mới thanh bạch thôi. Năng tương thủ có nghĩa là yêu mà bị xa nhau, yêu mà bị thất bại trong tình yêu nhưng vẫn giữ được mối tình ấy mãi mãi..

Tính chất của Lộc Tồn là đôn hậu, tâm địa chân thành, trân trọng, cẩn thận. Khi đã đi cùng với các sao khác thì cái điều thanh bạch năng tương thủ của Liêm Trinh, Lộc Tồn bị trộn không còn thuần khiết nữa. Cách này chỉ áp dụng đối với nữ mạng.

Nói về cách Liêm Sát, phú viết : Liêm Trinh Mùi cung vô sát, phú qúy thanh dương phan viễn danh (Liêm Trinh đóng Mùi – bên cạnh Thất Sát – không gặp hung sát tinh thì phú quí tiếng tăm). Điểm đáng chú ý không thấy nói tới Liêm Trinh đóng Sửu. Nếu chỉ đóng ở Mùi chưa đủ, cần phải có Tả Hữu nữa mới thực sự ăn to như câu phú trên đây.

Liêm Trinh còn được coi là cách “Hùng tú triều nguyên” đời nếm trải gian truân, ngoài tuổi trung niên thành công, thêm Quyền Lộc dĩ nhiên như gấm thêu hoa, nhưng căn bản cần Tả
Hữu đã. Liêm Sát vào Mùi hay Sửu bị Hóa Kỵ hay Linh, Hỏa, Kiếp, Không sẽ biến thành cách
“Mã cách lý thi” (Da ngựa bọc thây) đa số vào võ nghiệp có địa vị cao và rồi chết với nghề. Liêm Sát như thế vào nữ mạng vất vả bôn ba và chết đột ngột. Liêm Sát ở Mùi sách chỉ nói là con người làm ăn có của (Tích phú chi nhân).

Đọc trong ‘Cốt Tủy Phú’ của Đẩu Số toàn thư khi luận về sao Liêm Sát có mấy câu cho ta cảm tưởng như mâu thuẫn. Những câu ấy là : ‘Liêm Trinh Thất Sát phản vi tích phu chi nhân; Liêm Trinh Thất Sát lưu đãng thiên nhai.’ Rồi ở ‘Thái vi phú’ lại viết câu: ‘Thất Sát Liêm Trinh đồng vị, lộ thượng mai thi’

Thật ra những câu phú ấy không mâu thuẫn vì Liêm Sát đồng vị bao giờ cũng xuất hiện ở hai cung Sửu và Mùi, Liêm Sát ở Mùi mới là miếu địa, Liêm Sát ở Sửu bị vào thế hãm nhược. Vì Mùi là Mộc cục và Hỏa khố trong khi Sửu là Kim cục và Thủy khố. Liêm Sát tại Mùi miếu địa nên tích phú, phấn đấu gian khổ thành công.

Liêm Sát Sửu nếu không hội tụ được những cát tinh mà lại bị hung sát kị vây bọc thành ra lưu đãng thiên nhai, lộ thượng mai thi. Liêm Trinh vào Sửu cung Hỏa bị Thủy khắc.

Chuyển qua cách Liêm Tham (Tỵ hoặc Hợi) cách này đưa đến tình trạng hình tù hay khách tử tha hương. Liêm Trinh vốn là Đào hoa tinh, Tham Lang cũng lại là Đào hoa tinh. Trước hết tình trạng hình tù ở tình trường đã, mê đắm sắc dục, bài bạc ăn chơi, mang công mắc nợ, bệnh tật triền miên.

Hình tù có mấy loại:
- Cảnh sát bỏ tù
- Nợ bỏ tù (suốt đời nợ nần)
- Bệnh bỏ tù (đau ốm hoài)
- Vợ hoặc chồng bỏ tù (cuộc duyên giao hãm)

Không cứ phải vào nhà giam mới bị gọi là tù.

Đá Thạch Anh

Liêm Trinh không ưa Hóa Kị, nhưng ở cách Liêm Tham mà được Hóa Kị lại giảm bớt hẳn chuyện hình tù. Hỏa hay Linh cũng tạo chuyện tốt hơn cho Liêm Tham. Liêm Tham ở Hợi hội với Kình Dương Mão, đàn ông tù tội, đàn bà phong trần, hoặc Kình Dương Dậu hội với Liêm Tham ở Tỵ cũng thế. Có lập luận cho rằng Liêm Tham Tỵ nặng hơn Hợi, lập luận này không vững lắm.

Tham Lang là Đào hoa tinh, Liêm Trinh cũng là Đào hoa tinh. Nay hai đào hoa tụ lại một chỗ ở Hợi, cổ nhân gọi bằng phiếm thủy đào hoa (hoa đào trên sóng nước) thường là con người đam mê tửu sắc, bài bạc khác với ở Tỵ ưa mạo hiểm vướng vít vào những rắc rối luật pháp. Bởi thế Liêm Tham Tỵ dễ bị tù hơn ở Hợi. Cũng có thuyết cho rằng Tham Lang cung Tí mới gọi bằng phiếm thủy đào hoa. Tí hay Hợi đều thuộc thủy nhưng ở Hợi có lý hơn vì ở Tí chỉ có Tham Lang đứng độc thủ. Tham Lang tại Tí cũng đam mê sắc tình nhưng nhẹ hơn Liêm Tham Hợi. Tham Lang Tí ưa phét lác hơn thực sự hành động.

Trường hợp người tuổi Giáp lại gặp cách Liêm Tham Hợi lại thường phong lưu vì một Lộc ở Mệnh một Lộc theo thế nhị hợp chưa kể đến hai sao Quyền Khoa hội tụ.. Tại Tý tuổi Giáp không phong lưu như Hợi (thiếu mất Lộc Tồn), công danh lận đận nhưng cũng đáng nể.

Liêm Trinh đứng ở bốn cung vượng Tí Ngọ Mão Dậu thế nào? Đứng Mão Dậu với Phá Quân, đứng Tí Ngọ với Thiên Tướng. Liêm Phá là con người tinh thần mạo hiểm cao, ưa
xông xáo, thông tuệ nhưng học hành thường thôi, hay làm liều, lợi mình trước đã dù có hại người.
Liêm Phá có thể là tay sai đắc lực, nhưng không thể thành người bạn tâm giao với ai, có nhiều nghị lực phấn đấu.

Liêm Phá hợp với tuổi Giáp và Ất. Ất tốt hơn Giáp nếu Liêm Phá đóng ở Mão cung. Liêm Phá sợ gặp Hỏa Tinh, nếu gặp dễ bị tai nạn hoặc ốm đau dữ dội với những bệnh hiểm nguy. Phú có câu: Liêm Phá Hỏa cư hãm địa tự ải đầu hà (Liêm Phá hội Hỏa Tinh bị tai nạn đến độ phải tự sát). Cái nghĩa đâm đầu xuống sông, treo cổ chỉ nói lên tình trạng hiểm nguy chứ không nhất định phải vậy.

Liêm Hỏa Không Kiếp Phá Quân
Hãm cung thắt cổ nợ trần hết duyên
Liêm Phá tại Mão Dậu cung
Sát tinh cùng hội công danh khó màng

Sát tinh ý chỉ Kình Đà Không Kiếp. Tuy nhiên đối với các tuổi Giáp Ất lại không thể ứng dụng những lời ca trên. Tử vi đẩu số toàn thư có đưa ra một câu phú:

Liêm Trinh Tham Sát Phá Quân phùng
Văn Khúc Thiên Di tác cự nhung

(nghĩa là Liêm Trinh hội Tham Lang, Thất Sát hay Phá Quân, nếu tự cung Thiên Di lại xuất hiện Văn Khúc thì…)

Mấy chữ ‘tác cự nhung’ không thể giảng giải ra được. Chỉ khả dĩ ghép hai chữ ‘cự nhung’ thành chữ tặc (làm giặc) thì mới có lý thôi. Ý chỉ nếu Liêm Tham Sát Phá gặp nhau lại thêm Văn Khúc xung chiếu Mệnh thì có khuynh hướng làm loạn, làm giặc. “Cự nhung’ cổ nhân tách chữ tặc ra cho vần điệu với âm thanh ‘phùng’ ở vế trên.

Liêm Phá vào nữ mạng tháo vát, nhưng tính không nhu thuận đưa đến những khó khăn trong cuộc sống duyên tình. Liêm Trinh hợp với hai sao Thiên Tướng và Thiên Phủ. Chỉ đi với hai sao này Liêm Trinh không gây tác hại.
Phú trong Tử vi đẩu số viết :”Thiên Phủ Tuất cung vô sát tấu, Giáp Kỷ sinh nhân phú vạn kim” (Thiên Phủ đóng ở Tuất mà người Giáp Kỷ giàu có).

Thiên Phủ ở Tuất đương nhiên phải đứng với Liêm Trinh. Tuổi Giáp Hóa Lộc ở Mệnh. Lộc Tồn cung Dần hội tụ theo thế tam hợp. Tuổi Kỷ Lộc Tồn chiếu từ Ngọ, Hóa Quyền chiếu từ Dần.

Thiên Phủ tại Thìn với tuổi Giáp không có Song Lộc, với tuổi Kỷ Tử Vi hãm. Xem như vậy thấy rằng Liêm Trinh phải đi với Lộc mới hay. Câu phú chỉ nhắc đến Thiên Phủ, không nhắc đến Liêm Trinh, đó là một lối ẩn ý của cổ nhân. Sự thật là Liêm Trinh đóng vai chủ chốt.

Liêm Trinh hội Lộc tiền bạc hoạnh phát, Thiên Phủ thành ông thần giữ kho. Liêm Phủ khi đã nên công thì cơ nghiệp bền không thăng trầm. Liêm Trinh đứng cùng với Thiên Tướng tại Tí Ngọ thì Ngọ hay đẹp hơn cho tuổi Giáp vì Giáp có Song Lộc ở Ngọ.

Kỷ Lộc Tồn tại Mệnh cung, cái thế gần cận mạnh hơn chiếu. Tuy nhiên cách Liêm Phủ với Liêm Tướng có một khác biệt ấy là: Liêm Phủ trong cuộc phấn đấu gặp may nhiều hơn như thuyền đi gió đẩy. Trong khi Liêm Tướng dùng mồ hôi sức lực để thành công như thuyền phải chèo.

Đá Thạch Anh



Liêm Tướng nữ mệnh đàn bà giỏi trị gia gánh vác tự tay gây dựng cơ nghiệp và ít được nhờ chồng, tuy nhiên cuộc sống lứa đôi vẫn hạnh phúc. Liêm Tướng nếu không phải tuổi Giáp Kỷ thì vất vả hơn. Liêm Phủ nếu không phải tuổi Giáp Kỷ chỉ ở mức tiểu phú quí thôi.
Về Liêm Trinh còn những điều cần biết như sau:
Phú viết: Liêm Trinh Bạch Hổ hình tượng nan đào (Liêm Trinh gặp Bạch Hổ hay bị dính vào pháp luật, tù tội hoặc bị phạt tiền). Bạch Hổ ở câu phú này chỉ lưu niên Bạch Hổ chứ không phải Bạch Hổ đóng ngay tại Mệnh.
Riêng Quan Lộc tinh mà Liêm Trinh gặp Kình Dương thì thường bị thưa gửi, kiện tụng hoặc mất quyền chức.
Liêm Phá, Liêm Sát vào cung Thiên Di tất phiêu lãng quê người như phú có câu: Liêm Trinh Phá Sát hội Thiên Di tử ư ngoại đạo”, phiêu lãng hoài, đương nhiên không phải chết nơi quê hương bản quán, chứ không phải tử ư ngoại đạo là chết đường chết chợ.
Liêm Trinh ở hãm cung mà gặp Hóa Kị Văn Khúc biểu thị con người tham lam vô độ, chỉ ưa tiện nghi không chịu được kham khổ, dễ vì tiện nghi mà phản bội. Liêm Trinh đứng cùng với các sao đào hoa như Tham Lang, Đào Hoa đàn bà hay có bệnh máu huyết, đàn ông bệnh thận.
Người đời sau đưa thêm ra một số phú đoán về Liêm Trinh:
- Liêm Trinh Phá Quân hiểm phòng vô hạn.
(Số có Liêm Phá ở Mệnh luôn luôn phải đề phòng những hiểm nguy)
- Liêm tại Cấn, Khôn cung, nữ mệnh trích lệ thương phu, nhược lai cô quả không môn tiềm ẩn; nam nhân bất đa truân tai ách ư thương lệ.
(Liêm Trinh độc thủ Dần hay Thân, số gái dễ xa chồng phải nhỏ nước mắt thương nhớ, nếu lại gặp phải Cô Thần Quả Tú thì xa hẳn hoặc góa chồng, sống đơn độc, trai được vợ hiền mà vợ lại chết sớm)
- Liêm tọa Thân cung phùng Phụ Bật
Cách kiêm Hóa cát phúc quang vinh
(Liêm Trinh tọa thủ ở Thân có Tả Phụ hay Hữu Bật mà được Hóa Lộc, Hóa Quyền
hay Hóa Khoa thì giàu sang)
- Liêm Sát Sửu Mùi, Ất Kỷ âm nam khí hùng trí dũng, Tuần Triệt vô xâm kiêm hữu Khoa Sinh hạn đá danh tài tốc phát
(Liêm Trinh Thất Sát đồng Sửu hay Mùi không bị Tuần Triệt anh hùng trí dũng tuổi Ất, tuổi Kỷ gặp vận hạn có Hóa Khoa Tràng Sinh thì phấn phát mau chóng)
- Liêm phùng Văn Quế cánh bôn ba
(Liêm Trinh đứng bên Văn Khúc càng bôn ba)
- Trọng Do uy mãnh Liêm Trinh nhập miếu hội Tướng Quân
(Liêm Trinh đứng miếu địa cùng sao Tướng Quân là người anh hùng dám đương đầu như thầy Trọng Do học trò Khổng Tử)
- Vương Lương ải ngục Liêm Trinh hãm Địa Kiếp ư Hỏa cung
(Liêm Trinh đóng Tỵ gặp Địa Kiếp như ngộ nạn trong ngục thất)
- Liêm Trinh Tỵ Hợi chớ bàn
Chàng Tiêu thuở trước tân toan ngục trường
- Công danh đợi tuổi tác cao
Giáp Liêm giáp Sát đoán nào có sai
(Mệnh cung bị Liêm Trinh, Thất Sát giáp thì về già mới nên công danh)
- Liêm Hao Tài Bạch cùng ngồi
Phá tan tổ nghiệp ra người lãng nhân
(Liêm Trinh Phá Quân vào Tài Bạch phá tổ nghiệp bỏ quê hương mà đi)
- Tham Liêm đồng độ đảo điên.
Trai thì phiêu lãng gái duyên dâm tàng.

Đá Thạch Anh


LUẬN VỀ SAO THIÊN ĐỒNG

Đá Thạch Anh


Thiên Đồng dương thủy, hóa khí là ‘Phúc’ chủ về Phúc đức thuộc nam đẩu hệ. Ở đắc địa người đầy đặn, vào hãm địa người thấp nhỏ. Thiên Đồng gặp Đà La nơi Mệnh cung hay có tật ở mắt như lác, lé, cườm mắt. Thiên Đồng hành thủy nên cũng ưa động, bị động chứ không chủ động, tâm thần không kiên nhẫn mà dao động, luôn luôn đổi ý. Thiên Cơ già dặn kinh lịch, Thiên Đồng động một cách non nớt, ấu trĩ.

Thiên Đồng gặp Thiên Riêu tâm tình y như người đồng bóng ưa giận dỗi, nay thế này, mai thế khác. Số nữ có Thiên Đồng thì hiền thục nhưng khó chiều, dễ hờn mát. Thiên Đồng khoái hưởng thụ hơn phấn đấu. Chủ về Phúc nên đóng ở cung Phúc Đức kể như tốt nhất. Phúc Đức cung có sao Thiên Đồng đời đời mãi mãi sống sung túc với điều kiện không đi cùng Cự Môn.

Điểm đặc biệt của Thiên Đồng là không sợ Sát Kị, dễ có thể dựa vào Sát Kị làm khích phát lực. Sát Kị đẩy Thiên Đồng vào quyết liệt phấn đấu. Đó chính là lý do cổ nhân đưa ra câu phú: ‘Thiên Đồng Tuất cung Hóa Kị Mệnh ngộ phản vi giai (Thiên Đồng tại Tuất hội Hóa Kị thủ Mệnh hóa ra tốt)

Đồng đóng cung Tuất yên vì
Hãm cung nhưng lại được bề hiển vinh
Nhờ sao Hóa Kị thêm xinh
Ấy là ưng hợp dễ thành giàu sang

Cách Thiên Đồng cung Tuất hội Hóa Kị cổ thư gọi bằng ‘Càn cung phản bối’. Không phải chỉ gặp Hóa Kị không là đủ. Hóa Kị còn cần Cự Môn, Hóa Lộc, Văn Xương thì mới đến tình trạng bĩ cực thái lai sức dồn ép đến sức cùng bật ngược trở lại.

Song song với cách ‘Càn cung phản bối’ là cách ‘Mã đầu đới tiễn’ (Cung tên treo cổ ngựa). Mã đầu chi cung Ngọ, tiển là Kình Dương. Chỉ những người tuổi Bính Dậu mới gặp Kình Dương thôi.

Phú nói ‘Thiên Đồng Kình Dương cư Ngọ vị, uy chấn biên cương’ nghĩa là ‘Thiên Đồng đóng cung Ngọ gặp Kình Dương uy thế ra tới ngoài biên ải. Đừng nhầm lẫn hễ cứ thấy Thiên Đồng hội Kình Dương cả ở cung Tí mà gọi là ‘Mã đầu đới tiễn’. Cung tên chẳng thể treo ở cổ chuột.

Tử Vi Đẩu Số viết: ‘Người tuổi Bính an Mệnh ở cung Tỵ, Hợi gặp Thiên Đồng, công danh tiền bạc tốt’. Đó là cách Điệp Lộc (hai sao Lộc). Hóa Lộc tại Mệnh, Lộc Tồn từ cung xung chiếu Tỵ. Cách Điệp Lộc thì giàu có. Nếu thêm Tả, Hữu, Khôi, Việt còn sang cả nữa.

Thiên Đồng đóng Dậu, người tuổi Bính cũng Điệp Lộc. Hóa Lộc tại Mệnh, Lộc Tồn từ cung Tài Bạch đứng cùng Cự Môn chiếu qua, Hóa Quyền đi theo Thiên Cơ chiếu lên, tiền bạc khá giả nhưng không hay bằng cách Điệp Lộc của Thiên Đồng Tỵ Hợi bởi lẽ cả ba sao Đồng Cơ Cự không đắc địa.
Còn như Thiên Đồng tại Sửu mà tuổi Bính cũng Điệp Lộc. Hóa Lộc tại Mệnh, Lộc Tồn cung Quan kém hơn. Vì Cự Đồng đồng cung gây chướng ngại trên hoàn cảnh cũng như trên tính tình. Và Lộc ở Quan cũng chẳng bằng Lộc ở cung Tài Bạch.

Điệp Lộc còn vào người tuổi Đinh khi Thiên Đồng đóng Ngọ, nên Tử vi trong tinh điển mới viết: “Đồng Ngọ hãm, Đinh nhân nghi chi”. Đồng Âm Ngọ hãm địa, nhưng tuổi Đinh lại tốt vì có Điệp Lộc. Vậy thì Thiên Đồng cần Điệp Lộc.

Với tuổi Canh, cách Thiên Đồng có một điểm nghi nan trên an bài Tứ Hóa. Tuổi Canh Đồng gặp Hóa Kị hay Hóa Khoa? Là Nhật Vũ Đồng Âm hay Nhật Vũ Âm Đồng? Theo trình tự của Tứ Hóa? Không ai đủ uy quyền mà quyết định. Bên Trung Quốc đã bàn cãi nhiều mà rút cục phe nào làm theo ý phe ấy. Người trọng tài duy nhất chỉ là Trần Đoàn tiên sinh thôi, mà tiên sinh thì chưa sống lại. Tuổi Canh hễ dính dấp đến Thiên Đồng vấn đề muốn nát óc, phải mượn tướng cách mà đoán thêm.


Đá Thạch Anh


Toàn thư viết rằng: “Nhược tại Hợi địa, Canh sinh nhân hạ cục cách ngộ Dương Đà Linh Kị xung hội, tác cô đan phá tướng mục tật”. Câu trên nghĩa là Nếu Đồng đóng Hợi mà tuổi Canh thì xấu, lại gặp cả Dương Đà Linh Kị nữa, thì cô đơn, phá tướng, có mục tật (cận thị nặng hoặc đui mù). Vịn vào câu trên mới lập luận chắc Thiên Đồng bị Hóa Kị nên mới thành hạ cục, thiết nghĩ không lấy chi làm rõ lắm. vì cũng câu trên lại bảo ‘cánh ngộ’ (lại gặp cả) Hóa Kị. Sao phải dùng chữ ‘cánh ngộ’ nếu như đương nhiên Thiên Đồng đi với Hóa Kị.

Và rõ ràng hơn ở mục sắp xếp các sao thì chính Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư vẫn sắp Hóa Kị đứng bên Thái Âm.

Canh Nhật Vũ Đồng Âm vi thủ
Tân Cự Dương Khúc Xương chí.

Riêng tôi thấy Đồng Âm đúng. Bên Trung Quốc, Tử vi thấu phái chủ trương Âm Đồng.

Về cách ‘Càn cung phản bối’ của Thiên Đồng tại Tuất đứng với Hóa Kị, cách này chỉ hiện lên vì hai tuổi Tân và Đinh. Tuổi Tân, Hóa Kị theo Văn Xương đóng Tuất hoặc Thìn (tùy theo giờ sinh Tí Ngọ). Tuổi Đinh, Hóa Kị theo Cự Môn đóng Thìn.

Tuổi Tân Cự Môn còn có cả Hóa Lộc nữa.
Tuổi Đinh thì Đồng đứng bên Hóa Quyền

Khi giải thích về: “Càn cung phản bối”, cổ nhân viết câu :”Thiên Đồng tại Tuất, Đinh Tân nhân ngộ phản vi kì” là thế.

Thiên Đồng cần đi với Hóa Lộc, ở trường hợp ‘Càn cung’ nó cần Hóa Kị để làm sức khích động, sức khích động ấy chuyển tình trạng bất lợi sang tình trạng thuận lợi, chuyển hàn vi thành khá giả.

Bĩ cực thái lai, cổ nhân ngầm báo cho hay rằng cách Càn cung phản bối trước khi nên công phải bị đẩy vào chỗ bĩ đa. Thiên Đồng còn được nhận như bạch thủ hưng gia (tay trắng làm nên) chính là rút tỉa từ cách ‘Càn cung’ vậy. Cách ‘Càn cung phản bối’ cổ nhân cho rằng không hợp với nữ mạng. Đàn ông con trai phải thiên ma bách triết được, đàn bà mà như thế chẳng khác gì cô thôn nữ chất phác dấn thân vào chốn phồn hoa.

Chỉ thấy nói Thiên Đồng tại Tuất mới có cách Càn vi phản bối. Thiên Đồng tại Thìn thì không. Không thấy Đẩu số toàn thư giảng tại sao? Tuy nhiên có luận cứ của người đời sau cho rằng Thìn là cung Thiên La, Tuất là cung Địa Võng. Đã Thiên thì hết khích động phản ứng, chỉ có Địa tiếp xúc với cái thực tế trước mặt mới chịu khích động phản ứng mà thôi. Luận cứ này cũng cho rằng Thiên La nên hiểu theo nghĩa Thiên Nhai, Địa Võng nên hiểu theo nghĩa Địa Dốc (chân trời góc biển). Thiên Nhai (chân trời) không tạo khích động lực như Địa dốc. Cái gì thuộc trời như đã an bài rồi, cái gì thuộc đất còn tiếp tục đấu tranh.
Vào số nữ, cổ nhân cho rằng không nên nếu nó đi với Thái Âm hay Thiên Lương.

Đồng Âm ở Ngọ ở Tí
Đồng ở Tuất hội chiếu Cơ Âm ở Dần
Đồng ở Dậu đối xung với Thái Âm tại Mão
Đồng đóng Mão, Thái Âm tam hợp từ Hợi
Đồng Lương cùng đóng Dần Thân
Đồng ở Tỵ Lương ở Hợi, Đồng ở Hợi Lương ở Tỵ

Đẩu Số Toàn Thư viết:”Nữ mệnh bị sát xung phá ắt hẳn hình phu khắc tử, Nguyệt Lương xung phá và hợp thường làm thứ thất hay lẽ mọn”. Ngoài ra cũng sách trên viết câu: “tuy mỹ nhi dâm” (tuy đẹp nhưng mà dâm). Thiên Đồng cung Tí là người đàn bà nhan sắc diễm lệ:

Đồng Nguyệt Tí gái hoa dung
Gặp Tang, Riêu, Khốc khóc chồng có phen

Đồng Âm tại đây nếu bị Tang Riêu Khốc thường ly phu, khắc phu thậm chí sát phu. Đồng Âm ở Ngọ đa đoan, nhan sắc không đẹp như Đồng Âm cung Tí nhưng tính dục cực vượng thịnh. Đồng Dậu, Nguyệt Mão, Đồng Mão Nguyệt Hợi cũng đẹp và dâm vậy. Luận đoán quan kiện đặt trên căn bản ý chí lực và tình tự. Thiên Đồng chịu ảnh hưởng của Thái Âm làm cho ý chí lực bạc nhược. Nếu bị xung phá của Hỏa Linh càng bạc nhược lại thêm bị kích thích. Thiên Đồng chịu ảnh hưởng của Thiên Lương đưa ý chí vào mộng cảnh. Nếu bị Kình Dương Đà La thì càng như sống trong mơ.

Chủ yếu khi luận đoán về Thiên Đồng là ý chí và tình tự. Ý chí với tình tự phải cân bằng khi vào nữ mạng thì cuộc đời mới yên ổn thảnh thơi. Bị Thái Âm làm cho bạc nhược ý chí, bị Thiên Lương làm cho viển vông tình tự đều không hay, nếu như lại chịu xung phá của Kình Đà Linh Hỏa lại càng thêm phiền nữa.

Thiên Đồng mừng thấy Khoa Lộc đi bên
Ý chí tình tự vừa đúng, cân bằng

Nếu Thiên Đồng gặp Quyền, Kị, Lộc, ý chí tình tự cũng mất thăng bằng như gặp Linh Hỏa Lương Âm Kình Đà. Cổ nhân cho rằng cơm no ấm cật quá tất nghĩ chuyện dâm dật.

Phú có câu: “Nữ Mệnh Thiên Đồng tất thị hiền” (Người nữ Thiên Đồng thủ mệnh hiền thục). Thiên Đồng không giản đơn như thế đâu. Như cách Cự Đồng vào nữ thì tâm trạng không lúc nào hết thống khổ.

Đá Thạch Anh

Bản chất hiền thục tất cần an định êm ả, không có khả năng chống trả với phá phách phiền nhiễu nên Thiên Đồng ý chí phải vững vàng không bạc nhược, không quá khích, tình tự phải chân chất, không viễn vông mơ ước hão. Bởi vậy Thiên Đồng sợ Kị, Kình Đà, Lương Âm, Hỏa Linh.

Các sao trong Tử vi khoa ẩn chứa cái lý của nhân sinh thật phong phú. Thiên Đồng Thái Âm đi vào nam mạng thì sao? Đồng với Thái Âm ở Tí Ngọ đều là con người hào hoa đa tình. Thiên Đồng Dậu Mão dễ vướng bẫy tình. Cự Đồng đóng cung Sửu Mùi, nam mạng tầm thường cuộc đời nhiều chướng ngại.

Cần nghiên cứu thêm qua những câu phú sau đây nói về Thiên Đồng:
- Thiên Đồng ngộ Kiếp Không bất cát
(Thiên Đồng thủ mệnh gặp Kiếp Không thành xấu)

- Đồng Âm Ngọ, Bính Mậu tuế cư phúc tăng tài hoạch, gia hãm Long Trì tu phòng mục tật
(Đồng Âm đóng Ngọ tuổi Bính Mậu công danh phát đạt, tiền tài phấn chấn, ngại gặp Long Trì tất có tật ở mắt)

- Đồng Âm tại Tí, Nguyệt Lãng Thiên Môn, dung nhan mỹ ái, Hổ Khốc Riêu Tang xâm nhập chung thân đa lệ phối duyên
(Đồng Âm thủ Mệnh tại Tí, như mặt trăng sáng nơi cửa trời nhan sắc xinh đẹp, nếu bị Bạch Hổ, Thiên Khốc, Thiên Riêu, Tang Môn xâm nhập thì dang dở, khổ tình hay góa bụa)

- Phúc điệu phùng Việt điệu ư Tí cung định thị hải hà dục tú
(Đồng Âm đóng tại Tí thủ mệnh gặp Thiên Việt có vẻ đẹp sang trọng uy nghi)

- Phúc điệu nhi ngộ Cự Môn thê nhi lãng đãng
(Thiên Đồng Cự Môn Đồng cư thủ Mệnh lận đận cuộc đời, nhưng Thiên Đồng Cự Môn đóng phối cung thì hoặc muộn chồng, muộn vợ con hoặc gãy đổ duyên tình)

- Đồng Lương viên, ngộ Khôi Quyền tăng phùng Linh Kị, giao lại Song Lộc doanh thương dị đạt phú cường (Đồng Lương đóng Mệnh gặp Thiên Khôi Hóa Quyền lại có Linh Kị và Song Lộc chiếu làm thương mại dễ nên giàu)